Nhận biết một số loại sâu và nấm bệnh thường gặp ở cây lan

24/06/2019 | 1433

Khi trồng phong lan, không ít thì nhiều bạn sẽ gặp phải các trường hợp phong lan bị nhiễm sâu bệnh. Trong trường hợp nhẹ thì cây phong lan của bạn sẽ bị còi cọc, tuột lá, vàng lá, trở nên xấu xí… nặng thì có thể dẫn đến chết cây, thậm chí làm lây bệnh cho cả vườn lan nếu bạn chậm trễ trong việc phòng và điều trị sâu bệnh.  Để làm được việc này, bạn cần biết cách nhận biết có phải hoa lan đang bị sâu bệnh hay không.

    1.Bệnh đen thân cây phong lan con

  • Triệu chứng:
  • Vết bệnh xuất hiện ở gốc thân hoặc cổ rễ, màu nâu, sau đó lớn dần làm khô tóp đoạn thân gần gốc và cổ rễ, thân gốc có màu đen. Các lá phía trên chuyển sang màu vàng, cong queo dị hình.
  • Khi bóp nhẹ, chúng ta sẽ thấy hiện tượng các thân bị bệnh mềm yếu và rỉ ứa nước.
  • Chúng sẽ khô dần và chết ngay trên chậu, cây bị bệnh sẽ lan nhanh sang cây khác. Cây thường chết nhiều và nhanh chóng, nhất là đối với cây con.
  • Nguyên nhân: do nấm Fusarium oxysporum gây ra.
  • Biện pháp phòng trừ:
  • Nên tách những cây bị bệnh riêng và phòng trừ cho những cậy phong lan còn lại bằng cách phun hay nhúng cả cây vào thuốc trừ nấm. Nếu cây lớn hơn thì cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm.
  • Các thuốc diệt nấm để điều trị như: Aliette 80 WP, Kasumin, TopsinM, CuzateM8, Score, super Tilt,… theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì.
  • Aliette 80 WP là thuốc trừ nấm có tính lưu dẫn hai chiều từ  lá xuống rễ và ngược lại. Phun ở nồng độ 1 - 2‰(phần ngàn) phun cách nhau 5-7 ngày để trừ bệnh và 10 - 15 ngày một lần để phòng bệnh. Phun lúc bệnh chớm phát hoặc phun phòng vào thời điểm bệnh thường phát sinh nặng là tốt nhất.

 

2.Bệnh đốm lá ở phong lan

  • Triệu chứng: vết bệnh thường có hình thoi hoặc hình tròn nhỏ (đường kính trung bình 1 mm), màu xám nâu, xuất hiện ở mặt dưới lá của phong lan. Bệnh nặng làm lá vàng, chóng rụng, cây cằn cỗi, sinh trưởng kém. 
  • Nguyên nhân: Do nấm Cercospora sp gây hại.
  • Biện pháp phòng trừ: Bệnh thường phát sinh, phát triển trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao và những vườn lan có hiện tượng thiếu lân, do đó có thể chăm sóc chu đáo kết hợp với phun thuốc trừ nấm để hạn chế bệnh này.

3.Bệnh thán thư

  • Triệu chứng: vết bệnh thường hình tròn, nhỏ, màu nâu vàng, xuất hiện từ mép lá, chót lá hoặc giữa phiến lá, kích thước trung bình từ 3-6 mm. Giữa vết bệnh hơi lõm màu xám trắng, xung quanh có gờ nhỏ, màu nâu đỏ, trên mô bệnh có nhiều chấm nhỏ màu đen là đĩa cành của nấm gây bệnh.
  • Nguyên nhân: Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra.
  • Biện pháp phòng trừ: Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải phòng trừ trước. Thường cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 1 hoặc 2 tuần phun 1 lần. Trong mùa mưa cần phun 5-7 ngày/lần.

Bệnh thán thư trên lan hồ điệp

4.Bệnh thối nâu vi khuẩn

  • Triệu chứng: vết bệnh màu nâu nhạt, hình tròn mọng nước, về sau chuyển sang màu nâu đen. Bệnh hại cả lá, thân, mầm, làm các bộ phận đó bị thối (kèm theo có mùi khó chịu).
  • Nguyên nhân: Do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra.
  • Biện pháp phòng trừ: cắt bỏ phần thối rồi nhúng cây vào nước thuốc Natriphene hay Physan 20, tỷ lệ 1:2000, hoặc lấy vôi bôi vào vết cắt, ngừng tưới nước 1-2 ngày.

Bệnh thối nâu vi khuẩn

5.Bệnh thối mềm vi khuẩn

  • Triệu chứng: Vết bệnh dạng hình bất định, ủng nước, màu trắng đục, thường lan rộng theo chiều rộng của lá cây phong lan. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.
  • Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas Gladioli gây ra.
  • Biện pháp phòng trừ: cắt bỏ phần bị thối, dùng các loại kháng sinh như Streptomycin dạng bột dùng cho nông nghiệp, bôi vào vết cắt hoặc dùng Streptomycin và 2 viên Tetracyclin 500 hòa với 1,5 lít nước phun vào vườn lan.

Bệnh thối mềm vi khuẩn

 

 

 

 

 


(*) Xem thêm

Bình luận
Gọi ngay : 0906918469
Gọi ngay : 0906918469